• toân phöông nam
  • Tôn Việt Nhật
  • Che chở mọi công trình

Xét xử hình sự 3 bị cáo trong vụ án tôn "lậu" tại thái nguyên

14/12/2022
|

ANTD.VN - Ngày 13-12, Tòa án nhân dân huyện Đại Từ (Thái Nguyên) mở phiên tòa hình sự xét xử sơ thẩm nhóm bị cáo về tội "Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp", do có hành vi mua bán và dán tem giả mạo vào 8 cuốn tôn mạ màu không rõ nguồn gốc, xuất sứ. Diễn biến "nóng" của phiên tòa là tranh luận quan điểm áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án...

Lời khai bất nhất

Tại phiên tòa, các bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Nguyễn Minh Hưng (SN 1983, trú tại phường Kỳ Bá, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình); Lê Văn Hùng (SN 1994, ở thị trấn Hùng Sơn, Đại Từ, Thái Nguyên) và Phan Tuấn Anh (SN 1986, trú phường Quang Trung, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình). Cả 3 bị cáo đều bị Viện KSND huyện Đại Từ truy tố ra trước tòa về tội "Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp", theo khoản 2, Điều 226-BLHS.

HHXX vụ án

Theo cáo trạng, ngày 22-10-2021, Công an huyện Đại Từ phối hợp với lực lượng chức năng bất ngờ kiểm tra Công ty TNHHH Sản xuất và thương mại thép Hùng Cường (Công ty Thép Hùng Cường). Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ 8 cuộn tôn mạ màu dán tem nhãn phụ Tôn Phương Nam nhưng không rõ nguồn gốc, xuất sứ.

Tại CQĐT, ban đầu Lê Văn Hùng cùng đồng phạm khai, Nguyễn Minh Hưng là Trưởng phòng kinh doanh, còn Phan Tuấn Anh là nhân viên kinh doanh của Công ty Tôn Vikor, địa chỉ tại Thái Bình. Hưng và Tuấn Anh đồng thời còn là cộng tác viên kinh doanh của Công ty Kim khí Thái Bình.

Khoảng tháng 9-2021, Hưng và Tuấn Anh đến địa bàn huyện Đại Từ gặp Hùng - người quản lý Công ty Thép Hùng Cường (bố đẻ Hùng đứng tên Giám đốc nhưng thực tế đã nhiều tuổi, không làm gì) để giới thiệu sản phẩm tôn mạ màu giả nhãn hiệu Tôn Phương Nam.

Giữa tháng 10-2021, Hùng liên hệ với Tuấn Anh đặt mua 8 cuộn tôn mạ màu giả nhãn hiệu Tôn Phương Nam với giá 800 triệu đồng để sau đó bán ra thị trường kiếm lời cao. Hưng sau đó báo cho lãnh đạo Công ty Tôn Vikor và nhận được sự đồng ý của doanh nghiệp này là sẽ sản xuất lượng hàng hóa giả theo yêu cầu của Hùng.

Do công ty của mình không có phôi để gia công tôn mạ màu nên Hưng liên hệ với Giám đốc Công ty Kim khí Thái Bình để lấy 8 cuộn phôi tôn, rồi chuyển về Công ty Tôn Vikor để gia công tôn giả của Công ty Tôn Phương Nam.

Các bị cáo trong vụ án xét xử tại tòa

Hoàn thành đơn hàng, Công ty Tôn Vikor giao lại cho Công ty Kim khí Thái Bình 8 cuộn tôn mạ màu giả và Hưng gọi xe container, đồng thời giao Tuấn Anh áp tải hàng chở lên cho Hùng. Khi đó, số hàng hóa này được đóng gói cẩn thận, "nguyên đai, nguyên kiện" nhưng không dán tem nhãn phụ và không có hóa đơn, chứng từ nguồn gốc, xuất sứ.

Về phía Hùng, ngay sau khi mua được lô hàng tôn "lậu" đã thuê người in tem mẫu tem nhãn phụ của Tôn Phương Nam và dán vào 8 cuộc tôn trôi nổi nhằm đánh lừa khách hàng. Thế nhưng số hàng hóa này chưa kịp tiêu thụ thì bị lực lược chức năng phát hiện, bắt giữ.

Tại giai đoạn điều tra, ban đầu các bị cáo đều khẳng định biết rõ 8 cuộn tôn mạ màu nêu trên là tôn giả nhãn hiệu Tôn Phương Nam và do Công ty Tôn Vikor sản xuất theo đơn đặt hàng của Lê Văn Hùng... Vậy nhưng quá trình điều tra, cơ quan Công an xác định không có căn cứ cho thấy số hàng hóa thu giữ là do Công ty Tôn Vikor sản xuất.

Cùng với đó, ngày 24-12-2021, các bị cáo trong vụ án đồng loạt thay đổi lời khai khi cho rằng 8 cuộn tôn mạ màu bị thu giữ là do Hưng mua của đối tượng tên Tú (không rõ lai lịch) tại Cảng Đình Vũ, TP Hải Phòng, sau đó mang về bán cho Hùng.

Theo kết luận giám định, 8 cuộc tôn mạ màu không rõ nguồn gốc, xuất sứ và dán nhãn giả thương hiệu Tôn Phương Nam tương ứng với giá trị hàng hóa thật là hơn 1,1 tỷ đồng. Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) khẳng định: "Hiện không có đơn vị nào có khả năng phân tích được mẫu vật theo yêu cầu nên từ chối giám định tiêu chuẩn chất lượng đối với 8 cuộn tôn thu giữ của Lê Văn Hùng".

Đại diện Viện KSND huyện Đại Từ nêu quan điểm đường lối giải quyết vụ án.

Viện kiểm sát lý giải về việc thay đổi tội danh

Bị đưa ra xét xử tại tòa, Nguyễn Minh Hưng và đồng phạm đều thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội bị truy tố. Giải thích về việc thay đổi lời khai trong quá trình điều tra, các bị cáo nại ra rằng, ban đầu khai 8 cuộn tôn mạ màu bị thu giữ là do Công ty Tôn Vikor sản xuất vì nghĩ như thế sẽ nhẹ tội. Tuy nhiên về sau, suy nghĩ thấu đáo và ân hận nên đã khai báo lại đúng sự thật.

Quá trình trả lời thẩm vấn, tranh luận và nói lời sau cùng trước tòa, cả 3 bị cáo đều lần lượt trình bày, động cơ mua bán hàng hóa trôi nổi, rồi dán tem giả Tôn Phương Nam chỉ nhằm thu lợi cao và để có tiền trang trải cuộc sống. Các bị cáo xin tòa xem xét, mở lượng hoan hồng.

Trong khi ấy, tranh luận tại phiên tòa, đại diện Viện KSND huyện Đại Từ cho biết, ban đầu, các bị cáo bị khởi tố, điều tra về tội "Buôn bán hàng giả" nhưng về sau cơ quan tố tụng quyết định thay đổi tội danh. Lý do là vì xét về cấu thành tội phạm cơ bản, hành vi của các bị cáo phù hợp với quy định, chế tài của Điều 226-BLHS.

Theo Viện kểm sát, tài liệu điều tra chưa chứng minh được nơi sản xuất các cuốn tôn mạ màu dán tem giả. Bị cáo Hùng biết các cuộn tôn không đầy đủ tem mác nên đã nhờ người in tem của Tôn Phương Nam để dán lên đó. Như vậy là có đủ dấu hiệu về tội "Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp".

"Điều 7, Nghị định 98/2020 nêu rõ về giám định hàm lượng và dù đã trưng cầu giám định nhưng Viện Khoa học hình trả lời là không thể giám định được. Nếu hàm lượng tôn dưới 70% thì mới có cơ sở khởi tố, truy tố tội buôn bán hàng giả" - Viện kiểm sát lập luận.

Về nguồn gốc hàng hóa phạm pháp thu giữ, đại diện cơ quan truy tố cho rằng CQĐT đã làm việc với Công ty Kim khí Thái Bình và Công ty Tôn Vikor. Cả hai doanh nghiệp đều không thừa nhận sản xuất các cuộn tôn màu nêu trên. Họ khẳng định, không liên kết hay sản xuất hàng hóa cho bên thứ ba và cũng không có hóa đơn, chứng từ gì chứng minh nên không có cơ sở để truy xuất nguồn gốc 8 cuộn tôn mạ màu tang vật.

Về lời khai, các bị cáo trực tiếp giao dịch với người đàn ông tên Tú (không rõ địa chỉ), CQĐT đã xác minh thực tế nhưng không xác định được ai là người tên Tú như mô tả. "Lời khai của bị can, bị cáo không phải là chứng cứ duy nhất để buộc tội mà phải căn cứ vào nhiều chứng cứ khách quan khác" - Viện kiểm sát khẳng định.

Đại diện Tôn Phương Nam tham gia phiên tòa để bảo vệ quyền lợi của mình.

Doanh nghiệp kêu cứu

Bảo vệ quyền và lợi ích cho nguyên đơn dân sự - Công ty Tôn Phương Nam, luật sư Nguyễn An Nhân (Đoàn Luật sư TP. HCM) viện dẫn, theo quy định tại khoản 2, Nghị định 98/2020/NĐ-CP thì “Buôn bán” là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chào hàng, bày bán, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động khác đưa hàng hóa vào lưu thông.

Trong vụ án này, các bị cáo đã có đầy đủ các hành vi như chào hàng, lưu giữ, vận chuyển, giao nhận tiền để mua bán 8 cuộn tôn mạ màu giả. Điều này được thể hiện rõ qua lời khai của các bị cáo và tại Bản kết luận điều tra cũng như cáo trạng truy tố. Do đó, đủ căn cứ xác định hành vi của Nguyễn Minh Hưng và đồng phạm phạm tội "Buôn bán hàng giả", theo khoản 3, Điều 192 - BLHS.

Luật sư cho rằng với tội "Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp" thì đối tượng bị xâm phạm là quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam. Theo đó, hành vi vi phạm là các hành vi chiếm đoạt quyền sở hữu (ở đây là quyền sở hữu trí tuệ) đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp như nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Hành vi chiếm đoạt ở đây được hiểu là tác động, chuyển dịch một cách bất hợp pháp quyền sở hữu nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý từ của người khác lên hàng hóa của mình, đồng thời làm cho chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp mất đi hoặc giảm sút quyền sở hữu đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý.

"Các bị cáo không có hành vi chiếm đoạt quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu. Vì các bị cáo không hề tạo ra, tác động hay chuyển dịch bất hợp pháp nhãn hiệu Tôn Phương Nam trên 8 cuộn tôn mạ màu. Các bị cáo chỉ thực hiện hành vi chào hàng, vận chuyển, buôn bán các cuộn tôn trên" - luật sư của nguyên đơn dân sự phân tích.

Với những phân tích nêu trên, vị luật sư đề nghị cần trả hồ sơ điều tra bổ sung và xử lý các bị cáo về tội "Buôn bán hàng giả".

Về phần mình, đại diện Công ty Tôn Phương Nam cho biết, do bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nạn hàng giả, trong đó có hành vi của các bị cáo trong vụ án nên những năm gần đây, doanh nghiệp này bị thiệt hại hơn 158,7 tỷ đồng. Về sản lượng hàng hóa, hành vi của các bị cáo là nguyên nhân trực tiếp khiến Tôn Phương Nam bị sụt giảm 31.715 tấn, tương ứng với lợi nhuận bị mất là hơn 78,4 triệu đồng...

Trên cơ sở ấy, đại diện doanh nghiệp này đề nghị Tòa án tuyên buộc các bị cáo phải bồi thường thiệt hại về số tiền nêu trên. Ngoài ra, đối với giá trị thiệt hại ước tính do giảm sút kinh doanh trong 3 năm gần nhất (số tiền hơn 158,7 tỷ đồng), Công ty Tôn Phương Nam đề nghị Tòa án cho được bảo lưu quyền đòi bồi thường thiệt hại khi có đủ căn cứ theo quy định pháp luật.

Trước quan điểm cũng như tranh luận của các bên về việc áp dụng điều luật để giải quyết vụ án, sau 1 ngày làm việc, HĐXX sơ thẩm TAND huyện Đại Từ quyết định nghị án kéo dài và sẽ đưa ra phán quyết vào chiều 16-12 tới đây.

Trích nguồn : https://www.anninhthudo.vn/xet-xu-hinh-su-3-bi-cao-trong-vu-an-ton-lau-tai-thai-nguyen-post525853.antd

Tin liên quan