• toân phöông nam
  • Tôn Việt Nhật
  • Che chở mọi công trình

GIẢNG VIÊN KHOA ĐẠI CƯƠNG ĐI THỰC TẾ TẠI CÔNG TY TÔN PHƯƠNG NAM

|

Nhằm thực hiện nhiệm vụ của giảng viên theo Quy chế Giảng viên của Học viện Cán bộ, trên cơ sở Hướng dẫn 257/HD-HVCTQG của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về Hoạt động đi thực tế của cán bộ, giảng viên trường chính trị, vào ngày 03 tháng 7 năm 2017 vừa qua, Khoa Đại Cương đã tổ chức chuyến đi thực tế cho toàn bộ giảng viên – viên chức của khoa tại Công ty Tôn Phương Nam, do TS. Lê Thị Linh Trang, Trưởng khoa Đại cương làm trưởng đoàn. Tham gia đoàn, ngoài đội ngũ của khoa Đại cương, còn có sự có mặt của một số viên chức khối phòng.

          Mục đích của chuyến đi là để đội ngũ giảng viên – viên chức của khoa tìm hiểu về một đơn vị doanh nghiệp cơ sở với mô hình quản lý đặc thù,  tìm hiểu về thực tiễn quản lý hiệu quả của công ty ở mô hình liên doanh, thực tiễn sản xuất của nhà máy, phương thức kinh doanh và quảng bá hình ảnh hiệu quả. Qua đó đội ngũ giảng viên của khoa có thêm tri thức thực tiễn đưa vào trong bài giảng từ các lớp đại học cho đến lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính, các thành viên trong đoàn có thêm hiểu biết về kinh tế và sản xuất trong thực tiễn.

          Công ty Tôn Phương Nam là một công ty liên doanh có 2 thành viên góp vốn, là một đơn vị trực thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam. Công ty hiện có 3 nhà máy, văn phòng chính đóng tại đường số 3, khu công nghiệp Nhơn Trạch, Nhơn Phú, Đồng Nai. Đón tiếp đoàn trong không khí vô cùng trân trọng, ấm áp, có đại diện Ban lãnh đạo là ông Lê Việt – Phó tổng giám đốc thứ nhất đại diện cho Tổng công ty Thép Việt Nam, và ông Chida – Phó tổng giám đốc người Nhật Bản đại diện cho Tập đoàn Sumimoto, cùng tất cả trưởng các dơn vị bộ phận của Công ty.

             Nội dung làm việc bao gồm:

             - Xem clip giới thiệu Công ty;

             - Tổng Giám đốc Công ty phát biểu, chia sẻ thông tin về mô hình quản lý và hiệu quả hoạt động của đơn vị;

             - Phía Học viện Cán bộ phát biểu, chia sẻ thông tin về Học viện, nhu cầu tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm thực tế của giảng viên, và những khả năng hợp tác giữa Học viện, Khoa với doanh nghiệp và các đơn vị cơ sở;

             - Giao lưu, đặt câu hỏi, trao đổi kinh nghiệm;

             - Đi thăm nhà máy;

             - Tặng quà lưu niệm.

          Qua buổi làm việc, các thành viên của đoàn đã tiếp nhận được nhiều thông tin bổ ích: Công ty Tôn Phương Nam là đơn vị doanh nghiệp theo mô hình liên doanh trong đó vốn của phía Việt Nam là 45%, thành lập từ năm 1995 với 03 Đảng viên. Đến nay chi bộ đã phát triển thành Đảng bộ cơ sở với 02 chi bộ và 44 Đảng viên. Các tổ chức chính trị xã hội hoạt động mạnh tại đơn vị, cán bộ chủ chốt của các tổ chức này nắm giữ những vị trí quan trọng trong công ty. Lãnh đạo công ty rất ủng hộ hoạt động của Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… Vì vậy chế độ chính sách đối với người lao động (314 người) luôn được đảm bảo. Điều này được thể hiện rõ nét ngay từ khi bước chân qua cổng công ty đã thấy ngay công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ. Vào hội trường, giảng viên Học viện rất xúc động khi thấy Quốc kỳ, Đảng kỳ, chân dung Hồ Chủ tịch… được trưng bày trang trọng. Những điều này thể hiện cả một sự phấn đấu của đội ngũ lãnh đạo và người lao động tại đây, đã nỗ lực xây dựng uy tín cho tổ chức. 

          Theo báo cáo, Công ty Tôn Phương Nam là một trong 500 doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất tại Việt Nam, một trong 1.000 doanh nghiệp đóng thuế nhiều nhất. Lãnh đạo Công ty tự đúc kết một bài học: Trong quá trình hợp tác kinh doanh, nhận thức rõ thế mạnh của phía Việt Nam về nhân sự, về văn hóa, hiểu rõ về thị trường Việt Nam, đồng thời đối tác mạnh về vốn, công nghệ, kỹ năng và kinh nghiệm quản lý, từ đó phát huy thế mạnh của mình, hợp tác trên tinh thần bình đẳng.

          Qua trao đổi, một nội dung liên quan đến việc cử cán bộ đi học Lý luận chính trị được ông Lê Việt chia sẻ rất đáng lưu ý: “Sau khi được học Lý luận chính trị tại các lớp của Học viện Cán bộ, anh em ở công ty có những cách nhìn rõ ràng hơn, hành động phù hợp hơn ở vai trò của Đảng viên trong một doanh nghiệp liên doanh, “sáng ra” nhiều vấn đề vận dụng phù hợp vào thực tiễn công việc”. Bên cạnh việc trao đổi kinh nghiệm vận dụng những tri thức đã tiếp thu từ lớp học Lý luận chính trị vào công việc quản lý điều hành đơn vị, ông Lê Việt còn định hướng cho đội ngũ cán bộ của công ty trong việc lựa chọn chương trình học, nên đi từ trung cấp rồi hãy đi học cao cấp, vì các lớp Trung cấp của Học viện “đem lại nhiều kiến thức thực sự áp dụng cụ thể vào công việc thực tiễn”. Vị đại diện lãnh đạo công ty còn cam kết: “Tôn Phương Nam sẽ tiếp tục đưa cán bộ quản lý đi học các lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính của Học viện Cán bộ”.

          Ngoài những trao đổi, chia sẻ nhiệt tình, thẳng thắn trên hội trường, Đoàn giảng viên còn được tạo điều kiện tham quan toàn bộ Công ty Tôn Phương Nam, từ khu sinh hoạt chung, nhà truyền thống, nhà ăn, nơi tập luyện thể thao, cho đến các khu nhà xưởng với dây chuyền sản xuất khép kín bằng công nghệ hiện đại. 

          Kết thúc ngày làm việc, hai bên đã trao tặng những món quà lưu niệm đầy ý nghĩa. Qua chuyến đi, đội ngũ giảng viên – viên chức của khoa Đại cương đã tiếp thu được những tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng vô cùng hữu ích, củng cố, bổ sung cả lý luận và thực tiễn, làm hành trang quý giá cho việc nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học và rèn luyện bản thân. Và qua quá trình tiếp xúc với “người thật việc thật”, những giảng viên mới, trẻ của khoa nhận thức sâu sắc hơn về nhiệm vụ của một giảng viên tại Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh.

(Học viện cán bộ TPHCM)

Tin liên quan